TẬN DỤNG CƠ HỘI THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TỪ CHÂU ÂU

Với những cam kết chặt chẽ tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), đặc biệt là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (IPA) đã được ký kết, BR-VT đang kỳ vọng dòng vốn đầu tư từ châu Âu sẽ tăng trong thời gian tới.

Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã đón tàu CMA CGM Marco Polo (Anh quốc) – tàu container lớn nhất thế giới cập cảng ngày 15/1/2019. Ảnh: MẠNH THẮNG

DÒNG VỐN CHẤT LƯỢNG CAO

Theo Sở KH-ĐT, trong số 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào BR-VT thì châu Âu có 3 nước, bao gồm Anh, Hà Lan và Pháp.

Trong số này, Hà Lan hiện có 8 dự án đầu tư tại BR-VT với tổng số vốn hơn 1,8 tỷ USD, trên các lĩnh vực sản xuất khí, điện, than, khai thác cảng… Ngoài ra, tỉnh hiện có 2 dự án về phát triển hạ tầng công cộng sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hà Lan, đó là dự án “Nước sạch nông thôn” và dự án “Thu gom, xử lý và thoát nước đô thị mới Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ”.

Mới đây, Tập đoàn Pondera – Hà Lan cũng đã có buổi làm việc với tỉnh BR-VT về phát triển năng lượng điện gió. Theo đại diện Tập đoàn Pondera, qua tìm hiểu cho thấy, BR-VT là địa phương có điều kiện, tiềm năng rất thuận lợi cho việc phát triển điện gió. Tập đoàn mong muốn được tỉnh tạo điều kiện để có thể đầu tư, phát triển về điện gió tại địa phương.

Một quốc gia khác cũng có nguồn vốn đầu tư lớn tại BR-VT là Pháp. Theo đó, Pháp có 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Nếu tính cả dự án thu gom, xử lý và thoát nước TP. Vũng Tàu do Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam làm chủ đầu tư (vốn ODA) thì tổng vốn đầu tư của Pháp tại tỉnh hơn 1,2 tỷ USD. Nhiều dự án lớn của Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh và cho nhà đầu tư như: Cảng Baria Serece, nhà máy sản xuất phân bón Baconco… Ngoài ra, một số dự án mới của Pháp đã và đang chuẩn bị đầu tư cũng góp phần tăng nguồn vốn FDI tại BR-VT. Đơn cử như đầu tháng 2/2019, Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (thuộc Tập đoàn Hàng hải Pháp CMA-CGM) đã khởi công xây dựng Cảng Container nước sâu lớn nhất Việt Nam – gọi tắt là Cảng Gemalink tại TX. Phú Mỹ. Tổng vốn đầu tư của dự án tương đương 520 triệu USD. Về quy mô, toàn bộ Cảng Gemalink sau khi hoàn thành sẽ trải rộng trên diện tích 72ha với tổng chiều dài cầu bến chính 1.150m dành cho tàu mẹ cỡ lớn nhất thế giới. Cảng Gemalink được thiết kế đạt khả năng xếp dỡ là 2,4 triệu TEU/năm.

Với lợi thế hạ tầng cảng biển được đầu tư đồng bộ, BR-VT đang được nhiều nhà đầu tư châu Âu tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong ảnh: Bốc xếp hàng tại Cảng dịch vụ tổng hợp Hưng Thái. Ảnh: TRÀ NGÂN

NHỮNG LỢI THẾ GÌ CÓ THỂ TẬN DỤNG?

Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, trong số 347 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 34,2 tỷ USD đầu tư tại tỉnh thì khu vực châu Âu có 68 dự án với tổng vốn 3,5 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và thương mại dịch vụ. Ngoài ra, giữa BR-VT và các đối tác châu Âu vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác có thể khai thác trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực: thương mại (xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản), cảng biển, logistics, đầu tư, giáo dục – đào tạo… Đặc biệt nhất, với lợi thế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, hệ thống cảng nước sâu hoàn thiện, hiện đại, đón được tàu trọng tải tới 200 ngàn tấn, BR-VT được các nhà đầu tư đánh giá cao trong việc tìm cơ hội đầu tư.

Một số lĩnh vực, dự án (hoặc địa điểm) BR-VT đang kêu gọi đầu tư: Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sản xuất các thiết bị cho năng lượng tái tạo); Trung tâm logistics Cái Mép hạ; khu đất Paradise, khu đất Safari, khu vực Núi Dinh, khu đất dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis; Khu công viên văn hoá thể thao Bàu Trũng; Khu công viên Bàu Sen; Khu đô thị Gò Găng; Dự án đường Long Sơn – Cái Mép, Dự án cầu Phước An; Dự án nạo vét kênh Bến Đình; đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Khu bãi Ngang – Long Hải; Tổ hợp tàu khách quốc tế và du lịch Sao Mai – Bến Đình…

Theo các chuyên gia, dòng vốn từ châu Âu là dòng vốn chất lượng cao, nên đây cũng là cơ hội giúp BR-VT cải thiện giá trị gia tăng, đón nhận chuyển giao công nghệ ở khối kinh tế tư nhân trong nước. Đặc biệt, cuối tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã mở ra cơ hội rộng lớn, với mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ: tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam. Trong khi đó, Hiệp định IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, cộng đồng DN châu Âu coi BR-VT là một địa phương chủ chốt, quan trọng hàng đầu để triển khai các hoạt động hợp tác khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực. Trong đó, các lĩnh vực như cảng biển, hậu cần cảng, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch chất lượng cao có khả năng tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn –