(TBTCVN) – Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nhận được kỳ vọng tích cực từ phía nhà đầu tư.
Trong bối cảnh nhiều mã ngành giảm điểm, thì nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn “lội ngược dòng”. Mặc dù không thể phủ nhận về xu hướng khả quan trong thời gian tới, song việc tăng trưởng về giá, cũng như tiềm năng về quỹ đất có thể sẽ làm tăng sự phân hóa giữa các cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Vì vậy, cơ hội có thể vẫn xuất hiện nhưng sẽ không có sự cào bằng mà sẽ chắt lọc hơn, trong đó, doanh nghiệp đang có quỹ đất lớn là một lợi thế.
Nhiều cổ phiếu “lội ngược dòng” thị trường chung
Thống kê 9 mã chứng khoán ngành bất động sản công nghiệp trên sàn chứng khoán từ đầu năm đến nay cho thấy, diễn biến giá của cổ phiếu ngành này khá tích cực so với mặt bằng chung của thị trường. Mặc dù chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố ngoại biên khiến nhiều cổ phiếu thuộc các ngành giảm giá khá mạnh, tuy nhiên dường như với cổ phiếu ngành khu công nghiệp lại ngoại lệ. Trong số 9 cổ phiếu thống kê, chỉ có 3 cổ phiếu giảm giá nhẹ so với thời điểm đầu năm là LHG (-5,3%), IDC (-11,4%), D2D (-3,2%); còn lại 6/9 mã tăng giá, với mức tăng tốt trên 50%, như: NTC tăng gần 104%; SZC tăng 69,1%; SZL tăng 63,2%;…
Việc một số cổ phiếu “lội ngược dòng” trong thời gian qua như dệt may, bất động sản khu công nghiệp, thủy sản,… được giới chuyên gia lý giải phần lớn là do được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng không ngoại lệ. Cuộc chiến thương mại leo thang cũng tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI nhờ xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp phát triển.
Báo cáo chuyên đề về bất động sản khu công nghiệp của Savills cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS). Tuy nhiên, Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) cho biết, trong 8 tháng 2019, vốn FDI thực hiện tăng 6,3% so với cùng kỳ, với 11,9 tỷ USD, trong khi vốn FDI đăng ký giảm 7,1% so với cùng kỳ, đạt 22,6 tỷ USD. Tuy nhiên, bà Trần Thị Trà My – chuyên viên phân tích của VNDS cho rằng, sự sụt giảm của vốn FDI đăng ký không đồng nghĩa với dòng vốn FDI chậm lại mà do số lượng các dự án FDI vào Việt Nam gia tăng nhưng ở quy mô nhỏ hơn so với năm trước. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2019, 2.406 dự án mới đã được cấp phép, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong số 19 lĩnh vực được nhận vốn, lĩnh vực sản xuất và chế biến dẫn đầu với 15,7 tỷ USD, chiếm 69,6% tổng vốn FDI và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018 (không bao gồm khoản đầu tư 3,85 tỷ USD của ThaiBev).
Cũng theo chuyên gia của VNDS, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam khá đa dạng, tuy nhiên vị trí của Trung Quốc đang có sự gia tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, Hồng Kông dẫn đầu về dòng vốn FDI ở mức 5,6 tỷ USD; Hàn Quốc và Singapore là các nhà đầu tư lớn thứ hai và thứ ba trong 8 tháng năm 2019. Đặc biệt, sự tăng trưởng nhanh chóng của dòng vốn đến từ Trung Quốc rất ấn tượng, từ nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam trong năm 2017 lên thứ 5 trong năm 2018 và hiện đang đứng ở vị trí thứ 4, chiếm 12% tổng vốn FDI trong 8 tháng năm 2019.
Thống kê trong nửa đầu năm 2019 cũng cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp khu công nghiệp tăng trung bình lần lượt 20% và 39%. Chính vì vậy, việc cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến tích cực cũng không khó để lý giải.
Lợi thế chỉ dành cho các doanh nghiệp có quỹ đất lớn
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng vốn FDI của cả năm 2019 sẽ tương đương mức 2018. Nhiều chuyên gia cũng đều đồng thuận rằng, bên cạnh các hiệp định thương mại lớn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn mà một lợi thế riêng để Việt Nam tăng cường thu hút vốn FDI.
Còn theo Savills, lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư.
Bà Trần Thị Trà My cũng cho hay, mặc dù đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, với hệ sinh thái phục vụ cho lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng kém hơn, Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Song hiện tại, “chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng ổn định của dòng vốn FDI sẽ tạo ra tác động tích cực vừa phải đến tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế trong những năm tới” – bà Trà My cho hay.
kinh tế tăng trưởng ổn định, cùng với xu hướng tích cực của dòng vốn FDI là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp ngành bất động sản khu công nghiệp, cũng như cơ hội sẽ đến với cổ phiếu trong ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội sẽ không dàn đều cho các doanh nghiệp, mà chỉ dành cho các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và có những lợi thế riêng biệt về sản phẩm hay vị trí địa lý.
Về diễn biến giá cổ phiếu, ông Nguyễn Hoàng Việt – chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) chia sẻ: “Tôi vẫn giữ quan điểm đánh giá khả quan cho nhóm cổ phiếu dệt may và bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đều đã tăng giá từ mạnh tới rất mạnh trong thời gian vừa qua, nên dư địa để tiếp tục tăng nữa sẽ khó có thể duy trì nếu không xuất hiện các nhịp điều chỉnh cần thiết”.
“Một vài sự lựa chọn khác khá tiềm năng sẽ là nhóm cổ phiếu dịch vụ hậu cần và vận tải cảng biển cũng được kỳ vọng sẽ “hưởng lợi ké theo” sự bùng nổ nhu cầu của bất động sản khu công nghiệp” – ông Nguyễn Hoàng Việt phân tích thêm.
Nguồn thoibaotaichinhvietnam.vn –