Sau khi chỉ đạt mức tăng trưởng 6,82% trong quý I; 6,73% trong quý II, nền kinh tế đã “bứt phá” bằng mức tăng trưởng lên tới 7,31%. Với đà này, kinh tế năm 2019 sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Dấu ấn “bứt phá”
Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá, song có lẽ, phải sang tận quý III/2019, dấu hiệu của sự bứt phá mới thực sự xuất hiện. Sự bứt phá ấy đến từ chính mức tăng trưởng GDP 7,31% của quý III/2019, sau khi chỉ đạt 6,82% trong quý I và 6,73% trong quý II/2019. Nghĩa là sau 3 quý, kể từ quý IV/2018, tăng trưởng GDP tính theo quý mới quay trở lại tốc độ tăng trưởng trên 7%. Quý IV/2018, tăng trưởng GDP cũng đạt mức 7,31%.
Điều quan trọng, với sự bứt phá của quý III, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đã đạt mức 6,98%. “Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hồ hởi thông báo.
Nhìn lại 10 năm qua, quả thực, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm chưa bao giờ đạt cao như vậy. 9 tháng đầu năm ngoái, mức tăng trưởng cũng chỉ 6,96%, “thua” mức tăng trưởng của 9 tháng đầu năm nay 0,2 điểm phần trăm. Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng của các năm từ 2011 trở lại đây tương ứng là 6,03%; 5,10%; 5,14%; 5,53%; 6,53%; 5,99%; 6,41%; 6,96%; và 6,98%.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu…, thì mức tăng trưởng 6,98% đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019”, ông Nguyễn Bích Lâm bình luận và khẳng định, động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ thị trường.
Nhìn vào các số liệu thống kê, có thể nhận thấy điều này. Cụ thể, tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2019 đạt 9,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,56% và chủ yếu nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành và toàn nền kinh tế (tăng 11,37%). Và đáng mừng là, ngành khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm, nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Nếu như đầu năm, nỗi lo cả 3 khu vực kinh tế đều giảm tốc, thì nay, nỗi lo đó đã vơi dần, ít nhất là đối với khu vực công nghiệp và dịch vụ. 9 tháng năm ngoái, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, khu vực dịch vụ tăng 6,89%. 9 tháng năm nay, duy có khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp hơn khá nhiều (chỉ 2,02%), còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng tới 9,36%, khu vực dịch vụ là 6,85%.
Và nếu như đầu năm, là nỗi lo nền kinh tế nhập siêu, thì nay, sau 9 tháng, ước nền kinh tế đã xuất siêu 5,9 tỷ USD, một con số tích cực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Điều quan trọng, trong bối cảnh tăng trưởng GDP tích cực, thì kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng mới tăng 2,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Và điều này khiến Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ mới đây đã nhận định rằng, năm 2019, lạm phát có thể được kiểm soát ở mức 3,3-3,5%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Tăng trưởng GDP 2019 sẽ vượt mục tiêu đề ra
Nếu tăng trưởng GDP 9 tháng là 6,98%, thì liệu năm nay, mục tiêu tăng trưởng 6,8% sẽ thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, tất cả các động lực giúp GDP liên tục tăng trưởng trong từng quý cũng như 9 tháng đầu năm sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu. Và do đó, nền sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong quý IV/2019, điều này sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2019.
Liên quan đến các dự báo về kinh tế 2019, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Con số được ADB dự báo là, sau khi bứt phá mạnh với mức tăng trưởng gần 7,1% trong năm ngoái, sẽ đạt mức 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.
Còn HSBC thì thận trọng hơn khi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, sau đó giảm xuống còn 6,5% trong năm sau. Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được HSBC cho là, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn vào các diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế, có thể thấy, khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất cao.
“Tăng trưởng GDP năm nay có thể khó đạt mức tăng trưởng cao hơn 7%, giống năm ngoái, do tăng trưởng GDP quý IV khó có sự đột phá, một phần do tăng trưởng GDP quý IV đạt rất cao – 7,31%, song cả năm, thì hoàn toàn có thể đạt mức 6,8-6,9%, vượt mục tiêu đề ra”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, nếu tình hình quý IV/2019 tiếp tục khả quan, đạt tăng trưởng khoảng 7%, thì nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu 6,8%.
Rõ ràng, kinh tế đang tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của quý cuối của năm.
– Nguồn baodautu.vn –